Một số lý do khiến nhà tuyển dụng không muốn gặp lại bạn nữa

Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng cho biết có quá nhiều ứng viên không thể trả lời chuẩn xác câu hỏi này.


Rất có thể nhà tuyển dụng nhận thấy bạn không phù hợp với công việc mà họ đang tuyển, hoặc công ty không đáp ứng được mức lương mong muốn của bạn. Nhưng cũng rất có khả năng bạn đã mắc phải một vài lỗi ngớ ngẩn và hoàn toàn có thể tránh được trong cuộc phỏng vấn.

Theo các chuyên gia về nghề nghiệp, ngay cả các ứng viên cho những vị trí cao nhất cũng có thể mắc lỗi, chứ chưa nói gì tới ứng viên cho các cấp bậc trung bình và thấp. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và việc làm không hề dễ kiếm như hiện nay bạn cần hết sức tránh những lỗi dưới đây khi đi phỏng vấn để không bị loại khỏi mắt xanh của nhà tuyển dụng.

1- Chỉ đơn giản là bạn không hợp với họ

Nói thẳng ra thì, lý lẽ hoàn toàn cảm tính này lại là lý do thực tế và rất phổ biến của những trường hợp trượt tuyển dụng. Bạn không có gì sai, bạn không thiếu tài năng, bạn cũng không thiếu đam mê hay tiềm năng phát triển nghề nghiệp, nhưng đơn giản là người phỏng vấn (thường là người sẽ quản lý bạn nếu bạn được nhận vào làm việc) cảm thấy bạn không hợp với họ, chỉ vậy thôi, và bạn không thể làm gì cả. Trong trường hợp này, đôi khi nhà tuyển dụng cho rằng cách quản lý của họ sẽ không giúp bạn làm việc tốt hơn, vì vậy tốt hơn cả là những con người không hợp nhau không nên làm việc cùng nhau. Nhưng đừng quá thất vọng nếu bạn vô tình biết được lý do thực mà bạn bị loại lại quá cảm tính như thế, có thể những nhà tuyển dụng này đã âm thầm giới thiệu hồ sơ của bạn cho những người bạn hoặc đồng sự của họ ở những công ty khác rồi đấy.

2- Bạn quá tập trung vào bản thân

Nếu bạn lạm dụng từ “tôi” trong cuộc phỏng vấn, các nhà tuyển dụng có thể hình dung ra một con người tự cao tự đại đang đứng trước mặt họ. “Nhiều ứng viên nói liên tục để ‘quảng cáo’ bản thân mà đưa ra ít hoặc thậm chí không đưa ra được thông tin nào liên quan tới công việc đang cần tuyển”, bà Dana Manciagli, một chuyên gia nghề nghiệp ở Seattle, nói. “Cho dù có thể là do họ lo lắng, hoặc thiếu nhận thức về bản thân, hoặc ngây ngô, thì cách ứng xử như vậy cũng sẽ làm hạn chế cơ hội được tuyển dụng của họ”.

Nếu bạn không thể trình bày rõ ràng việc bạn có thể giúp công ty thành công hay giải quyết vấn đề ra sao, thì có lẽ bạn không phải là ứng cử viên hàng đầu. “Điều tối quan trọng là bạn biết các kỹ năng và kiến thức cụ thể mà nhà tuyển dụng cần. Đây là điều cơ bản mà bạn phải chuẩn bị từ trước, nhưng nhiều người không làm.

Trong cuộc phỏng vấn, bạn cần trình bày súc tích: “Theo như tôi hiểu về công việc, ông/bà đang cần những kỹ năng như thế này”. Tiếp đó, hãy nói cụ thể về những kỹ năng mà bạn có thể đáp ứng”, bà Manciagli đưa ra lời khuyên.

3- Bạn tỏ thái độ tiêu cực trong khi được phỏng vấn

Các nhà tuyển dụng muốn làm việc với những người có quan điểm tích cực và có khả năng làm việc theo nhóm. Nếu được hỏi lý do tại sao bỏ công việc gần nhất, bạn nên tránh đưa ra quan điểm tiêu cực trong câu trả lời của mình. Nói tiêu cực sẽ tạo cho bạn hình ảnh xấu. Trong cuộc phỏng vấn, tránh phàn nàn về sếp cũ, đồng nghiệp hoặc môi trường làm việc cũ.

4- Bạn có vẻ “chảnh”

Nếu bạn bước vào công ty và gặp nhà tuyển dụng với thái độ bạn ứng tuyển để làm những việc quan trọng chứ không phải những việc tầm thường, đó có thể là lý do hồ sơ của bạn bị loại mà không thương tiếc. Chẳng có ai lại muốn làm những việc vặt vãnh nhưng mọi người đều phải làm những việc như vậy trong một vài thời điểm nào đó. Họ sẽ đánh giá việc đó như thế nào? Có thể họ sẽ nhờ bạn ra ngoài lấy vài bản photocopy hay nhờ bạn đặt đồ ăn trưa và quan sát thái độ của bạn. Nếu bạn tỏ ra miễn cưỡng hay từ chối làm, sẽ có nhiều người khác sẵn sàng làm việc đó thay bạn.

5- Bạn không thể trả lời những câu hỏi cơ bản về năng lực của bản thân

Một trong những câu hỏi phỏng vấn thường gặp nhất là: “Thế mạnh của anh/chị là gì?” Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng cho biết có quá nhiều ứng viên không thể trả lời chuẩn xác câu hỏi này.

“Ngay cả các ứng viên cho các vị trí cấp cao cũng thường liệt kê một loạt công việc mà họ đã làm trước đó, hoặc nói những câu đại loại như: ‘Tôi là một người tham công tiếc việc và muốn hoàn thành mọi công việc’. Trả lời như thế là chưa đủ”, chuyên gia Manciagli nói.

“Các công ty đều muốn biết liệu bạn có thực sự phù hợp với công việc mà họ cần tuyển. Họ muốn biết cụ thể các chi tiết, các kỹ năng, thành tích mà bạn đã đạt được. Bạn có thể nói: ‘Tôi đã vượt mục tiêu doanh số hàng quý’ hoặc ‘Bộ phận của tôi cứ mỗi tháng lại có thêm 5 khách hàng mới’ hoặc ‘Chúng tôi đã tạo ra ba chương trình quảng cáo mới, giúp thúc đẩy doanh thu tăng thêm x %’”, bà Manciagli khuyến nghị.

Và khi bạn được hỏi: “Yếu điểm lớn nhất của bạn là gì?”, thì đó chính là một cơ hội để bạn biến tiêu cực thành tích cực. Hãy tập dượt từ trước. Bạn có thể nói: “Trước đây, tôi có xu hướng ôm đồm quá nhiều công việc, nhưng bằng cách san sẻ nhiệm vụ với đồng nghiệp, giờ tôi đã có thể hoàn thành khối lượng công việc nhiều gấp đôi”.

6- Bạn ăn mặc không phù hợp

Có thể bạn cho rằng, việc ăn mặc phù hợp khi đi phỏng vấn là chuyện ai cũng phải biết, vẫn có những người mặc quần áo nhăn nhúm, quần jean rách, hoặc thậm chí là mang một bộ tóc ướt tới nơi phỏng vấn. Khi đến phỏng vấn, hãy mặc một bộ quần áo sạch sẽ, phẳng phiu, phù hợp với vị trí công việc mà bạn đang xin. Tránh dùng nước hoa hoặc nước thơm.

7- Bạn không chuẩn bị đủ cho cuộc phỏng vấn

Mang bản in hồ sơ của bạn là việc tối thiểu phải làm, nhưng vẫn chưa đủ. Tuỳ vào chuyên môn và vị trí ứng tuyển, bạn hãy chuẩn bị thêm những tài liệu cho thấy kinh nghiệm làm việc của bạn; chẳng hạn, nếu bạn là phóng viên hay nhân viên truyền thông, hãy mang theo vài bài viết tốt nhất đã được sử dụng; nếu bạn là nhà thiết kế, đừng quên mang theo những bản thiết kế ưng ý và có liên quan nhất đến vị trí đang ứng tuyển. Để tài liệu của bạn đáng tin cậy hơn, hãy ghi thông tin người đối chiếu ngay dưới mỗi trang tài liệu với đầy đủ tên, chức vụ, số điện thoại và email. Phần lớn các ứng viên không chuẩn bị đủ hồ sơ và tài liệu cho cuộc phỏng vấn, nên nếu có một ứng viên chỉn chu cho phần tài liệu trong cuộc gặp đầu tiên với nhà tuyển dụng, thật dễ hiểu là họ đã ghi được điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng rồi.

8- Bạn biết ít hoặc không biết gì về văn hóa của công ty

Hãy tìm hiểu từ trước, có thể trên mạng Internet hoặc thông qua bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là hỏi các chuyên gia về nghề nghiệp. Liệu đây có phải là một công ty bảo thủ hay không? Nhân viên của công ty có được ăn mặc tùy ý khi đi làm? Hãy tìm hiểu tất cả những gì có thể, và xuất hiện với trang phục phù hợp với văn hóa của công ty đó khi bạn tới phỏng vấn.

“Tôi có thể biết ngay một ứng viên đã có sự tìm hiểu căn bản về văn hóa công ty hay chưa, dựa trên cách ăn mặc của anh/cô ấy”, một nhà tuyển dụng nói. Nếu bạn cảm thấy có điều gì nghi ngờ, tốt hơn hết hãy ăn mặc lịch sự, trang trọng.

9- Bạn quá căng thẳng và lo lắng khi đến phỏng vấn

Thực ra sự lo lắng của ứng viên khi đến phỏng vấn là tốt, vì qua đó nhà tuyển dụng biết rằng cuộc phỏng vấn và cơ hội được làm việc tại công ty là rất quan trọng đối với ứng viên và họ sẽ cần những nhân viên xem việc được đứng trong hàng ngũ công ty là quan trọng. Nhưng nếu bạn tỏ ra quá lo lắng tới nỗi quên mất những gì cần nói hoặc trả lời lung tung từ hai câu hỏi trở lên, nhà tuyển dụng sẽ nghi ngờ khả năng chịu đựng áp lực và căng thẳng trong công việc của bạn. Vậy làm sao bạn có thể chế ngự được sự lo lắng của mình? Bạn nên biết rằng tuyển dụng vốn là một việc tẻ nhạt, rất mất thời gian và không hề dễ dàng nên nhà tuyển dụng nào cũng muốn tuyển được nhân viên ưng ý sớm nhất, vì thế họ cũng trông đợi bạn chính là ứng viên được tuyển. Nhà tuyển dụng thực sự muốn hợp tác với bạn và họ đứng về phía bạn, chứ không phải là kẻ chỉ muốn loại bạn; hãy nghĩ đến điều đó để thấy vững tin và bớt lo lắng hơn.

10- Không đưa ra câu hỏi với nhà tuyển dụng

Sau khi hoàn thành cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường sẽ hỏi xem liệu bạn có bất kỳ thắc mắc gì không. Câu trả lời bạn nên đưa ra là:”Có”. Tuy nhiên bạn không nên đặt ra những câu hỏi nhạy cảm như “Công việc này có mức lương là bao nhiêu”, “Tôi có bao nhiêu ngày nghỉ trong một năm”. Mặc dù việc trả lương và khen thưởng xứng đáng với những gì bạn đã làm là một yếu tố quan trọng, nhưng bạn chỉ nên đề cập đến vấn đề này nếu như nhà tuyển dụng thực sự muốn biết. Những vấn đề bạn hỏi nên hỏi trong cuộc phỏng vấn đầu tiên thường là: “Công việc chính của tôi là làm gì?”, “Quyền hạn lớn nhất của tôi trong công việc này là gì?”, “Công việc cụ thể tôi phải làm trong một ngày là gì?”

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *