Bí quyết để có cuộc phỏng vấn xin việc thành công nhất
Chia sẻ bà Lan cho thấy, trong ngành tài chính – ngân hàng, có hai kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp và kỹ năng bán hàng. Nếu có đủ hai kỹ năng này sẽ tiến rất xa.
Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Sàng lọc nhân sự thời khủng hoảng”. Tại đây những vấn đề liên quan đến nhân sự, cũng như việc làm thế nào để có thể xin được một công việc đúng với ngành học của mình đã được nhiều người quan tâm.
Sinh viên mới ra trường thường gặp khó khi tìm việc làm
Lâu nay, ngành tài chính, ngân hàng luôn được xem là một ngành học “hot”, thu hút khá nhiều sinh viên theo học. Chính vì vậy, lượng sinh viên ngành này ra trường hàng năm luôn xếp vào danh sách “khủng” và tất nhiên số người thất nghiệp cũng là con số đáng kinh ngạc.
Theo ông Cấn Văn Lực, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, hiện tại việc tuyển dụng nhân lực ngành tài chính, ngân hàng đang có sự cạnh tranh khá khốc liệt. Tuy nhiên, chất lượng của các cử nhân tham gia ứng tuyển vào công ty lại có khá nhiều vấn đề đáng nói.
Dẫn chứng về tình trạng trên, ông Lực chia sẻ, mỗi năm có khoảng 29 nghìn tân cử nhân của ngành tài chính, ngân hàng ra trường, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 17 nghìn người. Vì vậy, sẽ có khoảng 12 nghìn sinh viên mới ra trường gặp khó khăn khi tìm việc.
Mặc dù lượng sinh viên ra trường khá nhiều như vậy, nhưng theo ông Cấn Văn Lực, hiện chất lượng cử nhân ra trường xin ứng cử vào công ty cũng là vấn đề rất đáng nói. Trong đó, các sinh viên ra trường thường thiếu các kỹ năng mềm, kỹ năng trả lời và tính chuyên nghiệp khi tham gia phỏng vấn.
“Trong nhiều trường hợp, các bạn sinh viên mới ra trường đã tự loại mình ra khỏi danh sách ứng cử của nhà tuyển dụng, khi tỏ phong cách thiếu chuyên nghiệp như như phong cách ăn mặc, đến phỏng vấn muộn giờ, thậm chí không nhớ cả số báo danh của mình…”, ông Lực chia sẻ.
Bên cạnh những yếu tố trên, một vấn đề mà hiện nay các nhà tuyển dụng khá coi trọng đó là ngoại ngữ, tuy nhiên nó lại đang là một điểm yếu của sinh viên mới ra trường.
Theo chia sẻ của ông Lực, trong các cuộc phỏng vấn ứng cử viên xin việc thì các nhà tuyển dụng thường chấm điểm theo tỷ trọng 70% kiến thức chuyên môn, 30% ngoại ngữ. Như vậy, nếu các bạn sinh viên mới ra trường thua ngoại ngữ thì nguy cơ bị loại ra khỏi “vòng chiến đấu” là điều hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt các sinh viên ngoại tỉnh.
Cần biết “selling” bản thân
Đối với những sinh viên mới ra trường, việc phải tham gia vào cuộc phỏng vấn để ứng cử vào các công ty là điều bắt buộc. Tuy nhiên, làm thế nào để cuộc phỏng vấn trở nên dễ dàng và có thể đạt được kết quả như mong muốn là điều không phải ai cũng có thể làm được.
Theo bà Vũ My Lan, Giám đốc thương mại Marsh Việt Nam, điều đầu tiên các ứng cử viên tham gia vào phỏng vấn xin việc cần trả lời được câu hỏi “Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?”.
Lý giải về mục đích câu hỏi trên, bà Lan cho biết, khi đưa ra câu hỏi này nhà tuyển dụng nhằm tìm kiếm và nhận ra người có tiềm năng vào công ty. Đặc biệt, thông qua câu hỏi này nhà tuyển dụng muốn biết liệu bạn có thực sự hiểu về công ty, cũng như vị trí mà bạn muốn xin ứng cử vào hay không hay chỉ rải hồ sơ khắp nơi, chỗ nào gọi thì đến phỏng vấn mà không có sự chuẩn bị.
Bên cạnh đó, thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng cũng muốn đánh giá khả năng tự “selling” bản thân của các ứng cử viên như thế nào.
Chia sẻ bà Lan cho thấy, trong ngành tài chính – ngân hàng, có hai kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp và kỹ năng bán hàng. Nếu có đủ hai kỹ năng này sẽ tiến rất xa. “Trước khi bán sản phẩm của doanh nghiệp, thì hãy coi chính bản thân bạn là một sản phẩm. Bạn hiểu bạn nhất, điểm mạnh điểm yếu… Khi bạn thuyết phục khách hàng, đối tác hay sếp của mình thì cũng cần đến kỹ năng này. Thậm chí trong cuộc sống, để thuyết phục được người khác bạn cũng cần đến nó. Những điều này không có trường lớp nào dạy, mà chính bản thân chúng ta phải tự học” bà Lan chia sẻ.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Bích Huyền – Giám đốc nhân sự VPBank cũng chia sẻ, với áp lực thay đổi và ngày càng cạnh tranh như hiện nay, doanh nghiệp chỉ muốn lấy người có kinh nghiệm, ít doanh nghiệp muốn lấy người trẻ vào đào tạo. Vì vậy, bạn trẻ có thể chưa có kinh nghiệm nhưng phải thể hiện, chứng minh được cho người tuyển dụng thấy mình có khả năng giải quyết vấn đề, liên tục tìm tòi đưa ra sáng kiến, cải tiến.
Liên quan đến vấn đề này, ông Cấn Văn Lực, cũng chia sẻ, trong nhiều cuộc tuyển dụng, công ty chỉ tuyển một người nhưng phải chọn đến 5 người để phỏng vấn. Vì vậy, để có thể thuyết phục các nhà tuyển dụng, các ửng cử viên cần trang bị cho mình các yếu tố cơ bản như ngoại ngữ, hiểu biết xã hội tốt và kỹ năng sống…
Leave a Reply