Cần chọn việc thế nào cho thích hợp sau khi ra trường?
Bạn có ngại làm việc nhiều giờ không, bạn có nghĩ chất lượng cuộc sống quan trọng hơn sự phát triển nghề nghiệp không ?
Bạn đang chuẩn bị rời ghế nhà trường để bước vào đời. Nhưng bạn vẫn chưa định được cho mình một hướng đi. Tương lai nghề nghiệp của bạn vẫn khá mơ hồ. Bây giờ bạn chọn việc làm như thế nào đây?
TỰ ĐÁNH GIÁ CƠ HỘI CỦA BẢN THÂN
1. Suy nghĩ về bản thân
Điểm tốt nhất để bắt đầu tìm hiểu về công việc chính là bản thân bạn. Nếu bạn không biết mình thích làm gì, hãy nghĩ về những việc mình không thích làm .
Hãy liệt kê ra các công việc mà bạn thành thạo:
• Bạn thích trở thành người lãnh đạo hay làm việc theo sự hướng dẫn của người khác?
. Bạn thích làm việc tập thể hay cá nhân?
• Bạn thích làm công việc giao tiếp nhiều hay vận động nhiều?
• Bạn thích ngoài trong văn phòng cả ngày hay thích một công việc năng động?
• Bạn có ngại làm việc nhiều giờ không, bạn có nghĩ chất lượng cuộc sống quan trọng hơn sự phát triển nghề nghiệp không ?
2. Bằng cấp
Bằng cấp hiển nhiên là một cơ sở để bắt đầu định hướng nghề nghiệp. Nếu bạn là cử nhân quản trị kinh doanh, bạn có thể tìm các vị trí quản lý dành cho người mới tốt nghiệp. Tuy nhiên, nếu bạn không thích ngành này, bạn muốn làm một công việc khác hẳn. Việc này không là vấn đề gì. Bằng cấp của bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể giúp bạn linh hoạt trong các chọn lựa.
3. Hãy nghĩ đến điều bạn muốn làm
Bạn quan tâm đến công việc nào? Bạn muốn làm việc trong ngành kế toán? kỹ sư? Công nghệ thông tin? công việc từ thiện?
Hãy xem lướt qua các thông tin tuyển dụng trên báo hay trên mạng để tìm kiếm công việc mà bạn quan tâm. Đừng lo lắng nếu bạn không có đủ chuyên môn – bạn chỉ đang thu nhặt các ý tưởng thôi.
Gọi điện hỏi thăm công việc của bạn bè, người thân, họ có ý kiến gì về công việc bạn đang làm không? Bạn cần bỏ thời gian để suy nghĩ thật thận trọng. Hầu hết các sinh viên tốt nghiệp đều vội vã bắt đầu công việc đầu tiên, tuy nhiên hiếm khi là công việc lâu dài.
4. Thực tế
Bạn muốn một công việc được trả lương cao, nhiều chính sách trợ cấp, thời gian linh hoạt và không căng thẳng. Hãy thực tế!! Bạn muốn mọi thứ, tuy nhiên bạn chỉ có thể có một số thôi.
Các công việc trong ngành như truyền thông, báo chí hay tạo mẫu rất thú vị nhưng không được trả lương cao khi mới bắt đầu. Bạn phải làm việc chăm chỉ để được trả lương cao.
Tuy nhiên cũng có một số công việc đòi hỏi sự chăm chỉ và nhiều thời gian nhưng tiền lương không cao .
Hãy thực tế khi nghĩ về những điều mà một nghề nghiệp nào đó có thể mang lại cho bạn.
5. Tìm hiểu và quan sát
Chăm chỉ là yếu tố bắt buộc đối với bất kỳ công việc nào. Nếu bạn không biết phải làm gì, hãy quan sát cuộc sống xung quanh, lên mạng, đọc sách báo hay các tạp chí. Bạn sẽ tìm thấy những lời khuyên cũng như các kinh nghiệm hữu ích cho bản thân.
6. Hãy nhớ rằng – bạn là một cá nhân
Cách duy nhất để biết được công việc nào thích hợp là hãy nghĩ về bản thân bạn. Không ai có thể dạy bạn làm điều này, bạn cũng không thể làm theo bạn bè. Bạn có thể sẽ từ bỏ một công việc không thích hợp. Vì thế, hãy chọn lựa và tìm thấy một việc làm lý tưởng cho đời.
CHỌN VIỆC KHI RA TRƯỜNG: NHÀ NƯỚC HAY TƯ NHÂN?
Làm việc trong các cơ quan Nhà nước hay tư nhân? Chúng ra có thể đưa ra một số ví dụ cụ thể sau đây để các bạn trẻ tham khảo và rút ra một điều gì đó cho mình trước khi có sự chọn lựa.
Ưu tiên sự ổn định
Nguyễn Ánh Hồng sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2005 đã vượt qua kì thi tuyển công chức để đảm nhận vị trí kế toán tại khối văn phòng trong CQNN. Từ khi đảm nhận công việc, các đồng nghiệp trong cơ quan đánh giá cao năng lực và trách nhiệm của cô.
Cô cho biết: “Đồng lương chưa cao nhưng công việc ổn định và không nhiều áp lực. Sau khi hoàn thành công việc hàng ngày ở cơ quan, tôi vẫn có thời gian để học tiếp chương trình cao học”. Hồng cho rằng cơ hội thăng tiến trong tương lai là động lực lớn thôi thúc cô làm việc. Kim Ngân, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, có kinh nghiệm làm việc tại vài công ty TNHH cũng chọn bến đỗ tại một sở lớn ở Hà Nội.
Theo suy nghĩ của cô, công việc hàng ngày phù hợp với nữ giới, bởi sau giờ làm việc cô cần dành thời gian chăm sóc gia đình. Không chỉ các cơ quan sự nghiệp hành chính, các DNNN thu hút được sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ. Được làm việc tại những doanh nghiệp thuộc ngành nghề “nóng” như ngân hàng, kiểm toán, xây dựng, giao thông là mơ ước của nhiều bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học.
Cẩm Tú, sinh năm 1982 giữ một chân nhân viên tín dụng tại một ngân hàng lớn thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước. So với nghiều ngành nghề khác, anh thấy thu nhập của ngành ngân hàng khá hơn và đủ chi trả cho cuộc sống hàng ngày.
” Ổn định công việc” là ưu tiên hàng đầu trong việc chọn chỗ làm của một số bạn trẻ hiện nay. Vì vậy, dù lương có thấp hơn một chút, song công việc trong CQNN vẫn có sức hấp dẫn riêng đối với nhiều người.
Mạnh của người này, yếu của người khác
Bên cạnh một số bạn trẻ chọn CQNN để tiến thân thì vẫn còn một bộ phận rất lớn, nhất là những bạn trẻ năng động, thích bay nhảy, thậm chí muốn mạo hiểm thì xem CQNN như một cản ngại trên con đường tiến thân, hoặc thể hiện mình trước cuộc sống.
Chị Hồng Vân sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp năm 2002, đã làm việc tại Viện nghiên cứu trong hai năm. Sau đó, chị đi học thạc sỹ tại Ấn Độ, khi trở lại làm việc ở cơ quan cũ chị đã không còn thích ứng được với nhịp độ công việc “đều đều”, không có đổi mới và đột phá. Điều này buộc chị phải chuyển sang làm cho một tổ chức phi chính phủ của nước ngoài tại Việt Nam. Chị khẳng định: “Tôi muốn cống hiến cho đất nước và tôi cần tìm những nơi có điều kiện tốt nhất có thể phát huy được hết năng lực bản thân”.
Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ, cơ chế làm việc là rào cản lớn khiến nhiều công chức trẻ năng nổ và nhân viên tốt phải rời bỏ doanh nghiệp, cơ quan hành chính Nhà nước. Hệ số lương khởi điểm một cử nhân đại học nếu làm trong CQNN là 2,34 với mức lương cơ bản 1.150.000 nghìn đồng/tháng. Thời gian thử việc các bạn trẻ sẽ nhận mức lương bằng 80-85% lương chính thức, khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng.
Rất nhiều bạn trẻ đang làm việc trong CQNN nhận mức thu nhập không vượt quá 3 triệu đồng/tháng. Trong điều kiện giá cả tăng chóng mặt như hiện nay, cuộc sống còn khó khăn hơn thời sinh viên vì không còn trợ cấp của gia đình, đồng thời phải chi thêm nhiều khoản khác.
Quốc Khánh ra trường với tấm bằng kỹ sư xây dựng loại khá, anh vào làm việc trong một tổng công ty xây dựng lớn. Tính chất công việc khiến anh thường xuyên phải đi xa theo chân các công trình, trong khi đồng lương lại quá “còm” khiến Khánh than thở: “Hàng tháng, cộng tất cả các khoản vào, tôi nhận được trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Nhưng lương thường trả chậm và nhận 3 lần mới hết lương. Đi công tác thường xuyên mà tiền như vậy thì không sống được”. Chính vì vậy, anh quyết định xin nghỉ việc và cùng bạn bè mở công ty tư vấn xây dựng.
Bên cạnh đó, nhiều bạn từng làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước kể rằng không chịu nổi môi trường làm việc còn mang nặng cơ chế “xin-cho”. Trong môi trường đó, nhiều người giỏi không có đất dụng võ, còn những ai “mồm miệng đỡ chân tay” lại thăng tiến vù vù.
Hàng loạt rào cản vô hình và hữu hình vẫn chắn ngang lối vào CQNN với các bạn trẻ có năng lực cùng khát khao cống hiến cho đất nước. Nhiều sinh viên sắp rời ghế nhà trường khẳng định “không muốn làm việc trong CQNN vì môi trường và thu nhập”. Trong khi đó, những bạn trẻ mong muốn có một chỗ làm ổn định tại doanh nghiệp Nhà nước thì e ngại “khó lắm, không quen ai cả”.
Leave a Reply